Một miếng xoài xanh chấm mắm ruốc nhai giòn rụm trong miệng, một tô cơm nguội lót dạ với mắm ruốc kho thịt mỡ giữa trưa hè từng là ký ức tuổi thơ không quên của nhiều người. Riêng người dân BR-VT thì cái tên “Mắm ruốc Bà Ba” với hương thơm đặc trưng đọng lại rất lâu trong trí nhớ của câu chuyện ẩm thực tuổi thơ nhiều thế hệ.
Nhân viên cơ sở sản xuất mắm ruốc Bà Ba cho mắm vào hộp và dán nhãn lên hộp. |
Mắm ruốc là loại mắm làm từ ruốc (một loài tép nhỏ), chỉ dài khoảng chừng đốt tay trẻ em và dày hơn cây chân nhang một tí. Ruốc sống ở biển, sông đều có thể ăn tươi, phơi khô hoặc làm mắm. Nếu như người miền Bắc chuộng mắm tôm, người miền Trung và Nam lại chuộng mắm ruốc.
Cơ sở sản xuất mắm ruốc Bà Ba (khu phố Long Nguyên, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) đã có từ lâu theo hình thức cha truyền con. Bà Đỗ Thị Mai, chủ cơ sở mắm ruốc Bà Ba cho hay, bà là đời thứ 4 tiếp tục theo đuổi nghề này. Làm mắm ruốc không hề dễ dàng và phải trải qua nhiều công đoạn. Ruốc được ướp muối tùy theo tỉ lệ con ruốc lớn hay nhỏ. Sau khi muối tan ra hết, đến giai đoạn phơi ruốc rồi đem xay, ủ chín. Cuối cùng là chế biến lại và xay 4 lần để tách vỏ ruốc và đóng vào hộp. Khoảng 3kg ruốc làm được 1kg mắm. “Mỗi người chế biến đều có một bí quyết riêng. Nhưng yếu tố quyết định mắm ngon hay dở phụ thuộc vào lúc phơi, ủ chín sao cho không sớm cũng không muộn. Phơi ruốc vừa đủ độ héo, chứ không để đến lúc khô. Còn ủ thì thời gian vừa phải. Thời gian ủ mắm thường từ 6 đến 8 tháng”, bà Mai cho biết.
Ruốc có nhiều từ tháng 4 đến tháng 7 Âm lịch. Cơ sở làm mắm ruốc của bà Mai thường thu mua ruốc ở xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu). Sau khi chế biến thành phẩm, bà Mai chủ yếu bán sỉ cho các bạn hàng tại Trung tâm Thương mại Bà Rịa hoặc một số nơi như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và nhiều tỉnh miền Tây. Giá 1kg mắm ruốc từ 25-30 ngàn đồng. Thương hiệu mắm ruốc Bà Ba có từ nhiều năm nay, không chỉ quen thuộc với người dân trên địa bàn tỉnh mà nhiều khách du lịch đến BR-VT đều tìm mua về làm quà biếu người thân. Có những khách hàng ở miền Bắc sau khi thưởng thức món ăn này còn gọi điện lại để đặt mua hàng.
Theo bà Mai, nghề làm mắm ruốc rất bấp bênh, không phải lúc nào cũng sẵn ruốc để làm mắm. “Ruốc rất “nhạy cảm” với thời tiết và môi trường sinh sống. Chỉ cần thời tiết thay đổi hay môi trường biển, sông bị ô nhiễm, số lượng ruốc sẽ ít đi hoặc không có. Như năm 2014, số lượng ruốc mà tôi đi thu mua được rất ít, nhiều nơi còn không có”, bà Mai chia sẻ về khó khăn của nghề này.
Mắm ruốc dễ ăn, tiện lợi và nhiều đạm, có thể dùng làm gia vị nấu canh hoặc chấm với rau, dưa, cà, măng luộc hay kho với thịt, trứng. Nhắc đến mắm ruốc, người ta còn nhớ đến món ăn vặt cực kỳ khoái khẩu như xoài chấm mắm ruốc. Vị chua chua ngọt ngọt của xoài hòa quyện với vị mặn nồng và cay thơm của mắm ruốc, vừa ăn vừa hít hà, ngon khó tả. Ngoài ra, món ăn vặt cũng rất nổi tiếng khác là bánh tráng nướng mắm ruốc… “Mắm ruốc từ lâu đã trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong bữa ăn của nhiều gia đình. Xóm tôi hầu như nhà nào cũng dùng mắm ruốc Bà Ba. Mắm ở đây có mùi thơm đặc trưng rất riêng. Một trong những món ăn mà cả nhà tôi ưa thích là mắm ruốc kho với măng và thịt ba chỉ”, ông Trần Thanh Mừng, một người dân thị trấn Long Điền nói.
Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM
Cơ sở sản xuất mắm ruốc Bà Ba từng 3 năm liền (2012-2014) được UBND thị trấn Long Điền chứng nhận là Hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu; 2 năm liền (2012-2013) được UBND huyện Long Điền chứng nhận là Hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Năm 2013, cơ sở này là một trong số những doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được chọn để tham dự Hội chợ thương mại ở tỉnh Tây Ninh. |